Để trở thành công dân toàn cầu cần bắt đầu từ sự mở lòng

19/01/2024

(Chia sẻ của Đặng Thu Hà, sinh viên năm 3 viện Quản Trị Kinh Doanh sau những trải nghiệm giao lưu văn hóa tại VinUni)

Giây phút đặt bút viết bài này, mình vẫn đang mỉm cười vì vừa nhận được email chúc mừng năm mới từ các giáo sư của Cornell – ngôi trường đại học danh giá mà trước kia có nằm mơ mình cũng không nghĩ mình sẽ đặt chân tới.

Từ một cô bé từng mơ hồ thắc mắc “Thế nào là một công dân toàn cầu nhỉ?”, luôn mơ mộng được đi nước ngoài để tận mắt nhìn ngắm những thứ chỉ thấy trên màn ảnh nhỏ, được học hỏi những điều mới lạ mà chẳng biết đến bao giờ mới có cơ hội, mình đã dần hiện thực hóa ước mơ hồi nhỏ của mình. Quãng thời gian học tập tại VinUni đã mở ra cho mình cánh cửa đi đến các nước trên thế giới, được tiếp xúc với những người bạn đến từ các nền văn hóa khác nhau và mở rộng thế giới quan của mình.

Mình hi vọng qua bài viết này, mình có thể chia sẻ với các bạn những bài học mình đã nhận ra trong hành trình từng bước khám phá thế giới, chập chững trở thành một công dân toàn cầu. Tuy chỉ là trải nghiệm cá nhân nhưng đối với mình, đó là những bài học vô giá. Mình mong chúng sẽ có ích cho hành trình của các bạn nhé!

Bài học 1: Mở lòng để chấp nhận sự khác biệt

Bài học thứ nhất của mình bắt đầu bằng trải nghiệm được tiếp xúc với những bạn sinh viên từ khắp nơi trên thế giới tới VinUni thông qua chương trình trao đổi (Inbound Exchange), các bạn từ Đại học Quản trị Singapore, Đại học British Columbia – Canada hay Đại học Cambridge.

Cũng nhờ “cơ duyên” đầu tiên với những người bạn này, mình đã hiểu rằng để trở thành một công dân toàn cầu, mình cần học cách chấp nhận sự khác biệt, đón nhận và tôn trọng những nền văn hóa mới. Như trước đây khi nhìn vào những luật lệ của Singapore, mình thấy chúng hà khắc một cách khó hiểu (như cấm nhai kẹo cao su, quên xả nước là bị phạt,..), nhưng sau khi được các bạn Singapore chia sẻ và giải thích thêm về lịch sử đất nước, mình dần hiểu rằng mọi việc xảy ra đều có lí do của nó. Để trở thành 1 quốc gia xanh sạch đẹp như bây giờ, sự nghiêm khắc ấy là cần thiết.

Từ đó về sau, mỗi khi nghe được một ý kiến hoặc quan điểm khác lạ, mình tập thói quen không “xù lông” ngay lập tức để bảo vệ quan điểm cá nhân mà bình tĩnh lùi lại một bước để tìm hiểu xem sự khác biệt ấy đến từ đâu. Một vấn đề bình thường trong văn hóa của mình có thể lạ hay thậm chí trái ngược với văn hóa người khác. Nên để trở thành một công dân toàn cầu, mình phải học cách mở lòng để chấp nhận và tôn trọng mọi sự khác biệt, kể cả khi sự khác biệt ấy đối lập với giá trị quan quen thuộc của mình.

Bài học 2: Mở lòng để đón nhận sự kết nối

Hành trình của mình tiếp tục khi tham gia chương trình Youth Ecosperity Dialogue tại trường Đại học Quản trị Singapore, cũng chính là lúc mình nhận ra bài học số 2 – mở lòng để kết nối.

Ban đầu mình khá dè dặt khi phải nói chuyện và giao lưu với những người bạn sinh viên đa văn hóa, đa chuyên ngành, đồng thời là đại diện của các quốc gia tại Châu Á. Nhưng sau khi vượt qua rào cản ngại ngùng, tập mở lòng mình để đón nhận những kết nối mới, mình nhận ra rằng mình được nhiều hơn là mất.

Dù học chung một ngành và cùng thảo luận một chủ đề nhưng 5 bạn từ 5 đất nước khác nhau đã cho mình thấy 5 góc nhìn riêng biệt, tất cả đều vô cùng thú vị và đáng để suy ngẫm. Mình hiểu rằng để có một tư duy toàn cầu thì việc chủ động kết nối và chia sẻ với những người bạn mới là vô cùng quan trọng. Đừng chờ đợi người khác bắt chuyện với mình mà hãy tự tạo ra những cuộc trò chuyện – bạn sẽ không bao giờ biết được điều thú vị gì đang chờ đợi mình đâu!

Bài học 3: Mở lòng để buông bỏ nỗi sợ

Cuối cùng, bài học lớn nhất trên hành trình trở thành công dân toàn cầu của mình là phải biết “dám” – dám bỏ lại nỗi sợ để bước chân ra khỏi vùng an toàn và liên tục thử thách bản thân.

Nhờ sự hợp tác của VinUni và Đại học Cornell, VinUnian chúng mình đã có cơ hội tới Cornell, Ithaca để học hỏi và trải nghiệm đời sống sinh viên nước bạn.

Chỉ một hai năm trước thôi, chắc hẳn mình đã không có đủ dũng khí để nộp đơn. Mình sợ, sợ bản thân chưa đủ giỏi, sợ bị từ chối, sợ cảm thấy thất vọng khi kết quả không được như ý muốn.

Tuy nhiên, nhờ cơ hội được liên tục tiếp xúc và học hỏi những người bạn đồng trang lứa từ các nước khác nhau trong thời gian ở VinUni, mình đã tự tin hơn rất nhiều. Mình học được từ các bạn cách nhìn nhận thất bại như một cơ hội học hỏi. Chính tư duy đó đã giúp mình gạt bỏ nỗi sợ để tập trung theo đuổi những mục tiêu đã đặt ra – dù chúng có khó khăn hay xa vời đến đâu.

Hành trang hiện tại của mình tuy mới có 3 bài học nhưng mong rằng những chia sẻ và trải nghiệm cá nhân này phần nào giúp các bạn vững bước hơn trên hành trình của mình nhé!

Tạm biệt!

Banner footer